Đua môtô ở Việt Nam - từ 'trẻ hư' tới chuyên nghiệp

Ho Kim Hau 28/06/2018 0 nhận xét

Những cậu thanh niên tối ngày trốn gia đình đi đua xe, rất nhiều người ước mơ có lúc khoác lên mình bộ đồ đua chuyên nghiệp. 

Từ trên khán đài chính của trường đua Suzuka (Nhật Bản) có một nhóm vài người Việt, trong đó một phụ nữ trẻ tuổi mặc áo cờ đỏ sao vàng, đang chỉ trỏ xuống đường đua bên dưới cho hai người đi cùng biết tay đua người Việt. Người phụ nữ đó là dì của Lê Khánh Lộc, sinh năm 1995, lần đầu tiên đua ở đấu trường quốc tế. 

Băng-rôn cổ vũ Lộc tại đường đua Suzuka (Nhật) hôm 2-3/6.

Băng-rôn cổ vũ Lộc tại đường đua Suzuka (Nhật) hôm 2-3/6.

Lộc là người thay thế cho Nguyễn Vũ Thanh để tiếp tục đua chặng Nhật Bản giải ARRC cho đội Yuzy (Malaysia), nơi Honda Việt Nam gửi gắm hai tay nài là Lộc (hạng underbone 150) và Cao Việt Nam (hạng motorsport 250). Dì của Lộc sinh sống tại Nhật Bản kể, hồi nhỏ cậu hay trốn gia đình đi đua xe, hoạt động vốn không được ủng hộ trong mắt phần lớn người Việt vì nguy hiểm và quan niệm đua xe là "hư đốn". 

Sau mỗi vòng đua, trên cột điện tử ghi vị trí, cậu thanh niên 23 tuổi lặn ngụp ở nhóm 5 tay đua cuối trong số 20 người. Kết quả không cao nhưng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ lãnh đội, bởi phong cách thi đấu máu lửa và thể hiện tiềm năng.

Có kinh nghiệm hơn là Cao Việt Nam. Năm ngoái, Nam đua ở hạng underbone 150 và năm nay lên chơi hạng sport 250 phân khối. Ôm cua thích hơn, xe cân bằng hơn và đúng chất đua hơn là những thứ mà cậu háo hức đón nhận. Một nửa vai bên phải và mu bàn tay đang lên da non, Nam nói đó là kết quả một lần ngã khi chạy xe ở Việt Nam. Bỏ qua hết những thứ đó, đội chiếc mũ full-face, nổ máy rầm rập, các tay đua chỉ còn nghĩ đến một thứ duy nhất là tốc độ, các khúc cua, núp gió. 

Không còn non nớt như năm trước, kết quả của Cao Việt Nam cũng tốt hơn nhiều, ngày đua chủ nhật, anh lọt top 20 trên 33 tay đua tham dự. Bước về khu kỹ thuật đầy hứng khởi và ngầu trong mắt khán giả, trút bỏ bộ đồ bảo hộ, Nam và Lộc lại trở về hình ảnh những cậu thanh niên mới lớn, lễ phép, ít nói và ánh mắt lơ đễnh như một con người khác. 

Đua môtô ở Việt Nam - từ trẻ hư tới chuyên nghiệp - page 2

Lê Khánh Lộc tại đường đua Suzuka (Nhật Bản).

Ở cái tuổi của những người vừa tốt nghiệp đại học, Nam, Lộc hay Vũ Thanh, Duy Thông năm trước chọn cho mình cách không giống ai - nghiệp đua xe. Nam có một cửa hàng bán dầu nhớt để mưu sinh những lúc không đua, còn Lộc thì không làm gì khác ngoài việc đi đua trong nước, hết giải này tới giải khác, cả năm tới vài chục giải. Ở Việt Nam, họ là những người mà cứ thi là có giải, số tiền thưởng cũng đủ sống nhưng không thể tích lũy. 

Khi được gọi vào luyện tập chuyên nghiệp, họ được trả lương khoảng 10 triệu mỗi tháng và thêm khoản tiền thường nhỏ nếu mỗi chặng đạt thứ hạng cao. Riêng ở giải ARRC (Asia Road Racing Championship) mà họ tham dự, về nhất cũng không có tiền thưởng. Thậm chí, đây là giải đóng tiền để thi, vì đích hướng tới của các tay đua trẻ ở giải này, không phải là thi để kiếm tiền, mà để được người khác nhìn ngó. 

"Người khác" ở đây là các đội đua vốn đang vùng vẫy ở hệ thống các giải đua Grand Prix, nơi có Moto3 (125 phân khối), Moto2 (600 phân khối) và đỉnh cao MotoGP (1.000 phân khối). Ở nơi đó, khán giả kín đường đua, nổi tiếng khắp thế giới, thu nhập tính bằng triệu USD chứ không chỉ vài khán giả như nơi Nam và Lộc đang cố hòa nhập. 

Từng có các tay đua trẻ được ký hợp đồng lên chạy cho các đội Grand Prix từ các giải thấp cấp hơn như ARRC, và đó là ước mơ chung của mọi cậu thanh niên mà tốc độ ngấm vào máu. Nhưng để tới được đó, ít nhất người mê xe ở Việt Nam cần một nơi có thể tập. 

Cao Việt Nam (xe 65) dần quen thuộc với các giải quốc tế.

Cao Việt Nam (xe 65) dần quen thuộc với các giải quốc tế.

Ôm cua gắt thế nào, phân phối thời gian, chiến thuật ra sao khi chạy nhiều vòng là những kỹ thuật mà khó lòng đáp ứng ở Việt Nam. Bởi để làm được điều đó, phải có một đường đua đủ lớn, xe đủ chuẩn và những huấn luyện viên nhiều kinh nghiệm. Từng có thời đua xe ở Việt Nam chạy trong sân vận động và chỉ ôm cua duy nhất bên trái, kiểu đua không phát triển được nhiều kỹ năng. 

Kết thúc ngày đua thứ hai, Nam và Lộc cùng các thành viên trong đội lại nhanh chóng thu dọn đồ đạc, đóng xe lên thùng. Sáng hôm sau, họ sẽ bay về nước. Một tháng nữa họ sẽ lại chuyển tới một nước khác để chinh phục trường đua. Còn về Việt Nam, để tập luyện, chi phí thuê trường đua Đại Nam đã là 500.000 đồng một buổi.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: